CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI CHI NHÁNH QUẢNG BÌNH
    Bản in     Gởi bài viết  
Những Tổ trưởng tận tâm, hết lòng vì công việc 
 Với lòng nhiệt huyết, tận tâm vì công việc, những Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đã giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH để phát triển kinh tế.

 

Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Nguyễn Hữu Đức thường xuyên nắm bắt tình hình sử dụng vốn của hộ vay

Sâu sát với người vay vốn
Năm 2017, chị Hồ Thị Bé được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vôn bản Y Leng, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa. Với vai trò đó, chị Bé luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm là cầu nối tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. “Thời gian đầu khi mới làm Tổ trưởng, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động dân bản thay đổi tư duy để vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế. Đa số người dân chưa mạnh dạn vay vốn, nhiều chị em đã vay thì chậm trả lãi và chưa hoàn vốn theo quy định”, chị Bé chia sẻ.
Để người dân hiểu được vai trò, ý nghĩa của nguồn vốn tín dụng chính sách, chị Bé và các thành viên trong tổ thường xuyên “đi tận ngõ, gõ tận nhà” để tuyên truyền, vận động. Chị luôn sâu sát, nắm bắt kịp thời từng hoàn cảnh gia đình, nhu cầu vay vốn của các thành viên trong tổ. Từ đó, hướng dẫn, tư vấn cho bà con những chương trình tín dụng phù hợp để vay vốn làm ăn.
Chị Bé cho biết, với vai trò là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Y Leng, chị luôn thực hiện tốt các chỉ đạo từ cấp trên, các văn bản hướng dẫn của ngân hàng, chấp hành nghiêm túc quy trình tín dụng của NHCSXH. Chị cùng các thành viên trong tổ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích; thực hiện thu lãi từ hộ vay nộp cho ngân hàng đúng ngày giao dịch theo quy định; tổ chức các buổi họp bình xét cho vay bảo đảm công khai, đúng đối tượng.
Nhờ đó, ý thức của các tổ viên ngày càng được nâng lên, hàng tháng các tổ viên đều chấp hành rất tốt việc nộp tiền lãi, không có trường hợp tổ viên nào nợ tiền lãi từ 2 tháng trở lên, trong tổ không có trường hợp vay vốn để nợ vay quá hạn. Hiện, Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Y Leng có 29 tổ viên vay vốn, với tổng dư nợ hơn 1,6 tỷ đồng.
Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, nhiều hộ gia đình ở bản Y Leng đã vươn lên thoát nghèo. Điển hình như chị Hồ Thị Ta vay 70 triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn và trồng keo lai. Hiện, gia đình chị duy trì nuôi 50 con lợn, cho thu nhập ổn định hơn 30 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí). Hay như gia đình chị Hồ Thị Xinh vay số tiền 60 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản và trồng cây keo lai. Hiện, đàn bò của chị có 15 con và 3ha rừng keo lai, đem lại thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/năm.
Hết lòng vì công việc
Hơn 14 năm là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Trung Tiến, xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, ông Nguyễn Hữu Đức luôn tận tâm, hết lòng với công việc. Năm 2009, ông Đức được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Trung Tiến. Với vai trò này, ông luôn bám sát các chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để kịp thời tuyên truyền đến tổ viên.
Ông Đức luôn tận tình hướng dẫn, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận và vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Ông còn tích cực tuyên truyền, vận động thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ trên tinh thần tự nguyện để tạo vốn tự có, quen dần với hoạt động tín dụng, tài chính, vừa hình thành thói quen tiết kiệm cho hộ vay vốn, giảm bớt khó khăn khi trả nợ, vừa tạo thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương.
Đến tháng 11/2023, toàn tỉnh có 2.209 Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó có 2.087 Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt (chiếm 94,5%), có 91 Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại khá (chiếm 4,1%); có 31 Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại trung bình (chiếm 1,4%), không có Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại yếu.
Theo ông Nguyễn Hữu Đức, quản lý nguồn vốn sau khi cho vay là khâu quan trọng nhất trong quá trình vay vốn. Vì nếu hộ vay sử dụng vốn không hiệu quả, sai mục đích thì đồng vốn ưu đãi sẽ không phát huy tác dụng, gây thất thoát vốn và nợ xấu sẽ tăng cao. Xác định rõ vấn đề đó, ngay từ khi hộ vay nhận vốn vay từ NHCSXH, ông đã cùng với cấp hội nhận ủy thác thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Ông thường xuyên nhắc nhở hộ vay để chủ động thu xếp trả nợ đúng thời hạn tại điểm giao dịch xã.
Hiện nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn do ông Đức quản lý đang có dư nợ gần 3 tỷ đồng với 44 tổ viên vay vốn, không có nợ quá hạn, luôn được xếp loại tốt, phần lớn các hội viên trong tổ sau khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đều có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Ngoài việc làm tốt vai trò là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông Đức còn là một Cựu chiến binh gương mẫu, nhiệt tình, năng nổ, có tinh thần “tương thân, tương ái” giúp đỡ các hội viên trong thôn khi gặp khó khăn cũng như chia sẻ, hướng dẫn kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt để cùng nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Lan Chi

[Trở về]
Thông tin nổi bật